Tìm về người đươn lủng duy nhất còn lại ở miền Tây sông nước - Mayhouse – Craft & Décor -

Tìm về người đươn lủng duy nhất còn lại ở miền Tây sông nước

30/09/2020

Một ngày mưa mịt mùng tháng 8, May đã tìm đến nhà bà Hai -  người duy nhất còn giữ nghề đươn lủng ở miền Tây sông nước. Một căn nhà cấp 4 ven sông, bà Hai ngồi ở gian trên, dáng vẻ hom hem cần mẫn, chuốt từng sợi nan cùng cô con gái - chị Tuyền. Bắt đầu đươn giỏ từ năm 14 tuổi, chiếc giỏ Lủng là cả tuổi thơ của Bà Hai. Năm nay, bà 87 tuổi, vậy là chiếc giỏ đã cùng bà đi hết một đời sâu rộng.

Bà Hai - Người giữ lửa, truyền nghề

Bà Hai chuốt sợi, chị Tuyền ngồi đan, hai đứa nhỏ con chị Tuyền chốc chốc chạy vào chuốt vài sợi lủng, rồi lại đi chơi. Chị Tuyền là “đệ tử chân truyền đời thứ nhất” của bà, mấy đứa nhỏ là đệ tử đời thứ hai. Bởi vậy, nghề đươn lủng ở đất này vẫn còn hy vọng được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ.

Nghề đươn lủng đã từng được gọi là nghề “không còn dấu vân tay”. Một lần chuốt sợi nan, là một lần vân tay mất dấu. Chị Tuyền tâm sự “Cả hai mẹ con giống nhau y hệt, làm căn cước lăn tay hết được. Đâu có ai còn dấu vân tay!”. Còn bà Hai tuổi đã cao, với bản tính của người miền quê, cứ đươn mệt là đặt lưng đi nằm, nửa đêm giật mình thức giấc, buồn tay buồn chân không biết làm gì, bà lại ngồi dậy đươn tới sáng. 

Nghề đươn lủng quả thực có rất nhiều cái khó, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc nguyên liệu, không nhiều người biết đến. Hơn nữa, một chiếc giỏ lủng hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn, toàn bộ đều đan chuốt thủ công, không hề qua một chiếc máy chẻ nào. Một ngày dài từ tản sáng đến khuya, bà Hai chỉ đươn được mười mấy chiếc giỏ. Rất nhiều người cùng thời đã rời nghề, bỏ lủng đi tìm một công việc khấm khá hơn. Duy chỉ có bà, vẫn một lòng giữ lửa, giữ nghề đến tận hôm nay.

May cùng bà Hai giữ nghề - phát triển sản phẩm

Bao năm nay, cây Lủng được nhà bà Hai đươn thành giỏ Lủng. Những chiếc giỏ đươn lục giác với nhiều kích cỡ, đa ứng dụng. Đó là hình ảnh của bà, của mẹ ngày xưa, xách giỏ Lủng đi chợ, làm giỏ quà, giỏ trà bánh vào các dịp lễ Tết.,...Chiếc giỏ vàng óng, nhẹ tênh, và vô cùng bền bỉ.

Tết tới, gia đình bà Hai hoạt động hết công suất. Dù mỗi ngày chỉ đươn được mười mấy chiếc giỏ, chưa kể công đoạn đốn lủng, ra nan, chẻ chuốt. Nhưng nhận đơn nào là chắc cú đơn đó, đúng mẫu, đúng tiến độ. Bởi vậy, muốn làm giỏ lủng thì May phải đặt từ độ tháng 10, khách ghé May đặt giỏ cũng phải chọn sớm. 

Tưởng rằng, nghề đan lát thủ công của vùng đất Tây Đô đã dần phai nhạt. Tưởng rằng, chiếc giỏ lủng chỉ còn lại trong “Cõi xưa” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết - với hình ảnh của chiếc giỏ hai quai nhẹ bâng, những cái mắt nhỏ xíu, tròn xoe đi ngoài chợ. Nhưng thật may mắn, ở thời hiện đại, chiếc giỏ lủng vẫn còn nằm trong tay bà Hai, qua tay chị út Tuyền, và đến tay May.

May đã đặt dấu chân mình ở miền Tây, góp phần lưu giữ và phát triển một vùng làng nghề giá trị. Với May, Lủng là một chất liệu ưu Việt còn nhiều “đất dụng võ”. Với mục tiêu đưa những chất liệu tự nhiên ứng dụng đa dạng vào đời sống, May chắc chắn sẽ cùng bà Hai, chị Tuyền nâng cao giá trị của cây lủng, và nghề đươn lủng miền Tây. 

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi
popup

Số lượng:

Tổng tiền: